(Tin tức xây dựng) – 124 năm qua, ngành Xi măng Việt Nam nỗ lực không ngừng, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước nói chung và ngành Xây dựng nói riêng.

Từ nhà máy xi măng đầu tiên

Ngày 25/12/1899, kỹ sư Anbert Butin đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng Nhà máy Xi măng Hải Phòng, dưới sự chứng kiến của toàn quyền Đông Dương Paul Doumer với công suất 20.000 tấn/năm. 3 năm sau (năm 1902) nhà máy đi vào hoạt động, năm đầu sản xuất 12.000 tấn xi măng; đến năm 1925 xây dựng xong 15 lò đứng, công suất 150.000 tấn/năm; đến năm 1927 mở rộng sản xuất khởi công xây dựng 4 lò quay công nghệ ướt. 6 năm sau 4 lò quay này được hoàn thành và đi vào hoạt động, công suất 200 – 300 tấn/ngày. Năm 1939, Xi măng Hải Phòng mang thương hiệu Rồng Xanh, Rồng Đỏ đã xuất khẩu 305.000 tấn sang Trung Quốc, Malaysia, Hà Lan, Ấn Độ, Philipines và Tân Tây Lan…

Không chỉ sản xuất xi măng phục vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nhà máy Xi măng Hải Phòng còn là cái nôi cách mạng; nơi tổ chức Thanh niên cách mạng Đồng chí Hội được thành lập với 12 hội viên; nơi Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng của nhà máy được thành lập tháng 8/1929; nơi Đội Xích vệ Đỏ của nhà máy được thành lập bảo vệ các tổ chức chính trị và lãnh đạo… Cũng tại Nhà máy Xi măng Hải Phòng, ngày 08/01/1930, tổ chức cuộc đình công quy mô lớn, số lượng trên 2.000 người, đấu tranh với chủ Pháp đòi tăng lương, chống đánh đập, giảm giờ làm… và ngày 8/01 hằng năm trở thành ngày truyền thống ngành Xi măng Việt Nam.

Lịch sử ngành Xi măng ghi dấu những trang sử hào hùng, bao thế hệ công nhân xi măng gắn bó, cống hiến sức trẻ, trí tuệ của mình, góp phần sản xuất thật nhiều xi măng để xây dựng Tổ quốc. Sau chiến tranh chống Pháp, Nhà máy Xi măng Hải Phòng trở thành đống đổ nát, hoang tàn, nhưng bằng ý chí quyết tâm và tinh thần lao động hăng say không mệt mỏi, chỉ trong 5 tháng tiếp quản, người công nhân, người thợ xi măng đã khôi phục và đưa nhà máy vào hoạt động. Đây là 1 kỳ tích bởi người Pháp dự đoán: Phải 3 năm sau nhà máy mới có thể ổn định và sản xuất trở lại.

Những năm tháng lịch sử hào hùng đó, ngày 30/05/1957, Nhà máy xi măng Hải Phòng vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Người đã dành tình cảm thắm thiết, động viên, ân cần căn dặn cán bộ, công nhân Nhà máy Xi măng Hải Phòng cũng như ngành Xi măng Việt Nam phải tự hào và ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước; khắc phục mọi khó khăn, ra sức hăng hái thi đua lao động sản xuất, để góp phần tiến tới xây dựng một nền công nghiệp hiện đại, làm cho “tiền đồ của nước nhà vẻ vang”.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, Nhà máy Xi măng Hải Phòng là nhà máy Xi măng duy nhất ở miền Bắc sản xuất và cung cấp xi măng cho công cuộc xây dựng đất nước; miền Nam có nhà máy Xi măng Hà Tiên được xây dựng năm 1960, khánh thành năm 1964.

Đến mở rộng quy mô, nâng cao công suất toàn ngành

Sau thống nhất đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, ngành Xi măng Việt Nam phát triển lớn mạnh, mở rộng quy mô, nâng cao công suất, góp phần đắc lực vào công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế – xã hội, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước.

Đặc biệt, thời kỳ đổi mới, phát huy truyền thống vẻ vang, tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; ngành Xi măng Việt Nam đã có bước chuyển to lớn. Đó là sự thích ứng nhanh chóng, hiệu quả, năng động với cơ chế thị trường, góp phần tích cực vào việc phát triển kết cấu hạ tầng, vật chất kỹ thuật của nền kinh tế, đẩy mạnh đô thị hoá, công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên phạm vi cả nước.

Đó là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện, thành công mô hình tổ chức quản lý, hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng quản trị hiện đại. Từ chỗ mô hình tổ chức sản xuất thuộc sở hữu Nhà nước, chủ yếu là xí nghiệp quốc doanh, ngành Xi măng thực hiện cổ phần hóa, liên doanh, liên kết, đa dạng hóa chủ sở hữu, chủ thể quản lý; từ chỗ chỉ bó hẹp ở một số sản phẩm đơn lẻ, ngành đã có nhiều sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.

Đó là sự thay đổi mạnh mẽ, đột phá, từ chỗ áp dụng chủ yếu công nghệ, thiết bị cũ sang đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới, hiện đại. Tất cả các dây chuyền xi măng ở Việt Nam hiện nay đều sản xuất theo công nghệ khô, lò quay, tháp trao đổi nhiệt cyclon. Các dự án đầu tư sau năm 2011 đều sử dụng công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới.

Nhiều dự án đã tận dụng nguồn chất thải như tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, rác thải sinh hoạt làm nguyên liệu, nhiên liệu, nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất và bảo vệ môi trường.

Công suất sản lượng của ngành Xi măng tăng từ 4,4 triệu tấn năm những năm đầu đổi mới lên hơn 107 triệu tấn năm, với 103 dây chuyền sản xuất xi măng, 63 nhà máy. Con số này còn tiếp tục tăng khi nhiều dự án đang được đầu tư và dự kiến hoàn thành trong thời gian tới, nâng tổng công suất thiết kế toàn ngành lên 123 triệu tấn/năm.

Phát triển bền vững, sản xuất xanh, tuần hoàn

Tuy nhiên, tình hình quốc tế và trong nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; giá cả vật tư, nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng tăng cao, tình trạng “cung” vượt “cầu”, cạnh tranh khốc liệt… đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành Xi măng.

Để vượt qua khó khăn, phát triển bền vững, ngành Xi măng cần đẩy mạnh tái cấu trúc toàn diện theo chiều sâu, đổi mới công nghệ và mô hình quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại, tối ưu hoá sản xuất.

Đối với các doanh nghiệp Nhà nước, cần đẩy nhanh tái cơ cấu, nhất là cổ phần hoá; thực hiện thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính; tái cơ cấu tài chính và đầu tư có hiệu quả; có phương án hợp lý để giải quyết vấn đề nhà đất sau cổ phần hoá để bảo toàn và phát triển tài sản, vốn Nhà nước giao.

Xu hướng sản xuất xi măng xanh, sạch, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và thân thiện với môi trường là xu hướng các doanh nghiệp xi măng đang nỗ lực hướng tới. Triển khai chương trình kinh tế tuần hoàn; giảm thiểu hàm lượng CO2 trong sản xuất xi măng; sử dụng chất thải của các ngành công nghiệp khác thay thế nguyên, nhiên liệu tự nhiên nhằm đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần giải quyết vấn đề môi trường cho đất nước.

Thực hiện chuyển đổi số, tự động hóa một số hoạt động chưa tự động hóa; ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư trong việc số hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ, năng suất lao động, năng lực quản trị…

Nghiên cứu sản xuất và cung cấp những dòng sản phẩm mới, tạo sự khác biệt vượt trội về chất lượng và giá bán cạnh tranh. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với công nghệ và phương thức quản trị hiện đại.